Đời sống Xã hội

Nguồn cung vắc xin không chắc chắn…Liệu Hàn Quốc có đạt được mục tiêu 'Miễn dịch cộng đồng vào tháng 11'?

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)09:20 30-03-2021
Lô vắc xin AstraZeneca từ COVAX bị bàn giao muộn hơn vào tháng 4, số lượng cũng không đủ
Do cung và cầu vắc-xin ngừa coronavirus mới (Covid19) trên khắp thế giới không ổn định, nên có những lo ngại rằng có thể sẽ xảy ra gián đoạn trong việc tiêm chủng tại Hàn Quốc.

Trong bối cảnh các dịch bệnh truyền nhiễm chưa từng có, khi các nước trên thế giới đang cạnh tranh khốc liệt về vắc xin, thì tình trạng cung không đủ cầu vẫn tiếp tục diễn ra. Đặc biệt, một số quốc gia thậm chí đã áp dụng chiêu bài 'tạm ngừng xuất khẩu' để đảm bảo nguồn cung trong nước.
 

[Ảnh=Internet]


Bắt đầu từ tháng 4, chính phủ Hàn Quốc bắt đầu tiêm chủng cho công dân, từ những người lớn tuổi từ 75 tuổi trở lên, tuy nhiên chính phủ đang phải đối mặt với một tình huống khó khăn khi cố gắng hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho 12 triệu người vào nửa đầu năm nay.

Do phải phụ thuộc vào tình hình cung ứng vắc xin, một số quan sát cho thấy rằng việc đạt được “miễn dịch cộng đồng tháng 11” do chính phủ Hàn Quốc đề xuất có thể bị lung lay.
◇ Lịch cung cấp vắc xin AZ của COVAX bị trì hoãn và số lượng cung cấp cũng bị giảm đi…Có thể gây ​​gián đoạn lịch trình tiêm chủng trong tương lai

Theo Nhóm xúc tiến ứng phó với vắc xin Covid19 (Nhóm xúc tiến) vào ngày 30, vắc xin AstraZeneca (AZ) được bảo đảm thông qua CoVax Faclility, một dự án quốc tế về mua vắc xin chung, dự kiến ​​ít nhất phải giữa tháng 4 mới có thể vào đến Hàn Quốc.

Khoảng 690.000 liều vắc xin AstraZeneca ban đầu dự kiến ​​khởi hành từ Hà Lan vào ngày mai 31/3, tuy nhiên thời gian vận chuyển đã được đẩy lùi sang tuần thứ ba của tháng Tư và hiện, vẫn chưa có thông tin về ngày khởi hành cụ thể.

Về điều này, nhóm xúc tiến cho biết, "Điều này là do sự chậm trễ trong tiến độ cung cấp AstraZeneca do Viện Nghiên cứu Huyết thanh ở Ấn Độ sản xuất, vốn được lên kế hoạch phân phối cho các nước có thu nhập thấp," và cho biết, "Lịch trình chi tiết đang được thảo luận với CoVax."

Thêm vào đó, phải mất ít nhất 2~3 ngày để làm thủ tục hải quan và vận chuyển trong nước, nên việc để lô vắc xin này vào được Hàn Quốc có thể còn muộn hơn nữa.

Không chỉ chậm trễ trong việc nhận được vắc xin, chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ chỉ nhận được 432.000 liều (tương ứng với 216.000 người được tiêm chủng), ít hơn 258.000 liều so với dự kiến ​​ban đầu. Điều này đồng nghĩa là có một chỗ trống tạm thời trong tiêm chủng cho cho khoảng 129.000 người.
 

Lịch trình nhập khẩu vắc xin tính đến ngày 15/3. [Ảnh=Nhóm xúc tiến tiêm chủng]


Hơn thế nữa, tiến độ cung ứng vắc xin trong tương lai cũng không chắc chắn.

1.411.000 liều (tương ứng với 705.000 người được tiêm chủng) vắc xin AstraZeneca, sẽ được nhận bổ sung từ CoVax, đã được lên kế hoạch vận chuyển từ ngày 22/4 cũng có khả năng cao không thể đến Hàn Quốc theo đúng thời gian dự kiến do lịch trình của lô vắc xin trước đó đã bị lùi lại.

Trong cuộc họp báo ngày hôm qua (29/3), Jeong Eun-kyung, người đứng đầu nhóm xúc tiến (Cục Quản lý Dịch bệnh), giải thích, "Chúng tôi nhận được thông báo rằng nếu có thể số lượng vắc xin còn lại sẽ được cung cấp vào tháng 5. Tuy nhiên vẫn có thể có thay đổi."

Cũng giống như vậy, hiện tại chưa có lịch trình cụ thể về ngày nhập cảnh của các loại vắc xin được ký hợp đồng riêng với từng công ty dược phẩm.

Vắc xin AstraZeneca vốn sẽ được nhập vào Hàn Quốc với 7 triệu liều (3,5 triệu người) vào tháng 5 đến tháng 6, và vắc xin Pfizer (6 triệu liều) dự kiến ​​được nhập vào quý 2 với lich trình dự kiến lần lượt là 1 triệu liều vào tháng 4 và 1,75 triệu liều vào tháng 5.
 
◇ Các quốc gia tăng cường cạnh tranh trong việc lấy được đơn hàng vắc xin…"Nỗ lực bảo đảm vắc xin bằng cách huy động khả năng của toàn chính phủ"

Nhìn chung, rất khó để có cái nhìn lạc quan về tình hình cung ứng vắc xin trong tương lai.

Điều này là do, khi cuộc cạnh tranh để đảm bảo vắc xin ngừa Covid19 đang ngày càng gay gắt trên khắp thế giới, việc 'cấm xuất khẩu' đã được thảo luận ở khắp mọi nơi khiến cho những lo ngại rằng cung và cầu nguyên liệu cho vắc xin hiện đang không được thông suốt ngày một lớn hơn.

Theo các phương tiện truyền thông nước ngoài như BBC Broadcasting và Reuters, Ấn Độ, nơi được gọi là 'Nhà máy vắc xin của Thế giới', gần đây đã tạm ngừng xuất khẩu vắc xin AstraZeneca vì tình hình dịch Covid19 ở quốc gia này đột ngột trở nên phức tạp. 

Hiện tại, việc xuất khẩu vắc xin vẫn chưa được thực hiện và dự kiến ​​sẽ bị trì hoãn ít nhất là đến cuối tháng 4.

Do Liên minh châu Âu (EU) phải đối mặt với vấn đề thiếu vắc xin Covid19 nên kể từ ngày 30/1, các công ty dược phẩm phải được các quốc gia thành viên trong khối chấp thuận nếu muốn xuất khẩu vắc xin được sản xuất trong EU ra nước ngoài.
 

Kế hoạch tiêm chủng trong 6 tháng đầu năm của Hàn Quốc. [Ảnh=Yonhap News]


Đặc biệt, với trường hợp của NovaVax, được biết, hợp đồng với EU hiện đã bị chậm lại do khó khăn về nguồn cung nguyên liệu.

Trước tình hình này, lộ trình nhập vắc xin trong quý II khó có thể đạt được bước tiến xa hơn.

Ba loại vắc xin dự kiến ​​sẽ được nhập vào Hàn Quốc tuần tự từ quý II, bao gồm NovaVax, Modena và Janssen, thậm chí vẫn chưa được quyết định khi nào và số lượng bao nhiêu liều sẽ được giao, trong khi chỉ còn vài ngày nữa là đã sang quý II.

Sự thật là có vẻ như chính phủ Hàn Quốc đã chưa huy động mọi khả năng của chính phủ khi không có lập trường vững vàng hay cách thức nhạy bén nào trong việc tập trung cho công tác đảm bảo vắc xin.

“Đúng là cung và cầu vắc xin trên toàn thế giới không ổn định và cung không đủ cầu. Chúng tôi đang nỗ lực để đảm bảo vắc xin bằng cách tham khảo ý kiến ​​của các công ty dược phẩm lớn nhất và sử dụng khả năng ngoại giao", bà Jeong cho hay.
 

Tủ đông bảo quản vắc xin được vận chuyển đến trung tâm tiêm chủng. [Ảnh=Yonhap News]

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기