Đời sống Xã hội

Các thương hiệu mỹ phẩm của L'Oreal dần 'biến mất' khỏi Hàn Quốc

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)10:10 28-04-2021
Vichy chấm dứt kinh doanh vào cuối tháng 8…Rút khỏi Hàn Quốc sau 23 năm Shu Uemura cũng đóng cửa vào tháng 9, chỉ bán tại các cửa hàng miễn thuế
Thương hiệu mỹ phẩm 'VICHY' của Tập đoàn L'Oreal sẽ rút khỏi Hàn Quốc vào cuối tháng 8, sau 23 năm kể từ khi gia nhập thị trường Hàn Quốc vào năm 1998.

Theo thông tin từ ngành công nghiệp mỹ phẩm vào ngày 28, L'Oreal Hàn Quốc đang rút các sản phẩm của Vichy ra khỏi các cửa hàng trực tuyến và ngoại tuyến .

 

[Ảnh=Yonhap News]


Vichy là một thương hiệu dược mỹ phẩm (dermo-cosmetics) được thành lập vào năm 1931 bởi một bác sĩ da liễu sau khi trải nghiệm qua tác dụng của nước suối nóng ở Vichy, Pháp. Thương hiệu này đã gia nhập thị trường Hàn Quốc lần đầu tiên vào tháng 11/1998, và có một lịch sử lâu đời trong việc giúp chăm sóc những người có làn da nhạy cảm cũng như sở hữu một lượng lớn khách hàng tin dùng trên toàn thế giới.

Ở Hàn Quốc, nó đã được bán trong các cửa hàng dược mỹ phẩm (drugstore) trong hơn 20 năm và được nhiều người tin dùng. Tuy nhiên, khi thị trường dược mỹ phẩm nội địa Hàn Quốc phát triển, ảnh hưởng của Vichy bắt đầu giảm dần. Khi các thương hiệu dược mỹ phẩm mới như Dr.Jart, Dr.G, và Centalian24 nổi lên như những thế lực mới, Vichy dường như dần đánh mất vị trí của mình tại thị trường Hàn Quốc.

Được biết, cách đây không lâu Vichy đã rút khỏi các kênh trực tuyến và ngoại tuyến của 'Olive Young' (chuỗi cửa hàng H&B (Sức khỏe & Sắc đẹp) số một tại Hàn Quốc). Các kênh thương mại điện tử lớn cũng đã ngừng bán các sản phẩm được nhập khẩu ngoại trừ các đơn hàng được khách hàng đặt mua trực tiếp từ các cửa hàng tại nước ngoài về.

Ngoài ra, Vichy cũng đã lên kế hoạch rút khỏi các kênh trực tuyến khác một cách tuần tự. Theo đó, kể từ sau tháng 8, khách hàng sẽ chỉ có thể bắt gặp mỹ phẩm Vichy trong các cửa hàng miễn thuế . Khi Vichy thực hiện các bước thu hồi nhãn hiệu, đồng nghĩa với việc các nhân viên phụ trách nhãn hiệu Vichy cũng đã hoàn thành việc chuyển giao sang các vị trí mới khác trong công ty.

“Việc chấm dứt kinh doanh Vichy là một phần trong chiến lược tối đa hóa danh mục thương hiệu bằng cách tập trung vào các thương hiệu có tiềm năng tăng trưởng cao trong thị trường dược mỹ phẩm tại Hàn Quốc”, giám đốc quan hệ công chúng của L'Oreal Hàn Quốc cho biết.

Vichy cũng không phải là thương hiệu duy nhất mà L'Oreal Hàn Quốc gần đây quyết định rút khỏi thị trường Hàn Quốc. Hoạt động kinh doanh nội địa của thương hiệu mỹ phẩm Nhật Bản Shu Uemura, được Tập đoàn L'Oreal mua lại vào năm 2003, cũng sẽ kết thúc vào cuối tháng 9.

Shu Uemura lần đầu tiên gia nhập thị trường Hàn Quốc vào năm 2005 và trở nên nổi tiếng với nhiều mặt hàng đình đám như son môi và chì kẻ mày. Tuy nhiên, người ta giải thích rằng việc rút thương hiệu là không thể tránh khỏi do lợi nhuận thu về giảm mạnh vì ảnh hưởng của chiến dịch 'No Japan' và sự sụt giảm nhu cầu đối với mỹ phẩm màu do dịch Covid19 gây ra.

Gần đây, Christian Marcos Harnay, Giám đốc điều hành của L'Oreal Hàn Quốc, cũng đã thông báo cho các giám đốc điều hành và nhân viên về việc rút Shu Uemura, rằng "Sau khi xem xét danh mục thương hiệu dựa trên nhu cầu thị trường Hàn Quốc, chúng tôi đi đến quyết định rút các sản phẩm Shu Umera trên cả cửa hàng trực tuyến lần ngoại tuyến."

Trên thực tế, hoạt động của L'Oreal Korea, công ty điều hành các thương hiệu toàn cầu như Lancome, Kiehl's, Shuemura và Vichy, đang khá trì trệ. Theo báo cáo kiểm toán của LOK (L'Oreal Hàn Quốc), doanh thu năm 2020 đạt 337,6 tỷ won. Đây là mức giảm 1,2% so với năm trước đó (341,8 tỷ won). Lợi nhuận kinh doanh là 16,2 tỷ won, cao gấp đôi so với năm trước (8 tỷ won), nhưng tỷ suất lợi nhuận kinh doanh chỉ dừng ở mức 5%.

Một quan chức trong ngành cho biết, "Khi sức ảnh hưởng của K-beauty ngày càng lớn, khả năng cạnh tranh của mỹ phẩm nhập khẩu không còn như trước, và ngành công nghiệp làm đẹp đã rơi vào cuộc suy thoái chung trong những năm gần đây một phần do ảnh hưởng của Covid19. Trong quá trình tái cơ cấu danh mục kinh doanh, việc rút lui các thương hiệu ế ẩm sẽ là một quyết định không thể tránh khỏi."

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기