Kinh tế Chính trị

Hàn Quốc - Triều Tiên khôi phục đường dây liên lạc…Mối quan hệ liên Triều liệu có được phục hồi?

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)14:23 27-07-2021
Khi kênh liên lạc liên Triều đã bị cắt đứt trong 13 tháng, được khôi phục vào ngày 27, sự chú ý đang tập trung vào việc liệu quan hệ liên Triều có phục hồi sau bế tắc kéo dài hay không.

 

Hàn Quốc và Triều Tiên đã đồng ý khôi phục lại đường dây liên lạc giữa hai miền Triều Tiên từ 10h sáng ngày 27, theo thông báo của Giám đốc truyền thông công cộng của Nhà Xanh Park Soo-hyeon. Đã 413 ngày kể từ khi Triều Tiên đơn phương cắt đứt mọi đường dây liên lạc giữa hai miền Triều Tiên, bao gồm cả kênh Panmunjom, để phản đối việc một số nhóm người đào tẩu Triều Tiên phân phát tờ rơi vào ngày 9/6 năm ngoái. Bức ảnh cho thấy sĩ quan liên lạc của Hàn Quốc đang kiểm tra đường dây điện thoại trực tiếp liên Triều để thực hiện cuộc gọi với Triều Tiên tại văn phòng liên lạc ở Khu vực an ninh chung ở Panmunjom vào ngày 3/1/2018.[Ảnh=Yonhap News]


Quan hệ liên Triều đã phát triển gần gũi hơn bao giờ hết với ba hội nghị thượng đỉnh vào năm 2018, nhưng vào tháng 2/2019, hội nghị thượng đỉnh Bắc Triều Tiên-Hoa Kỳ lần thứ hai tại Hà Nội không đạt được thỏa thuận thì mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc cũng đi xuống.

Xét rằng Triều Tiên thường tái khởi động quan hệ với Hàn Quốc thông qua việc khôi phục các kênh liên lạc trong quá khứ, có vẻ như lần này khả năng cao Triều Tiên sẽ tiến hành các động thái nhằm kết nối quan hệ liên Triều chứ không chỉ đơn thuần là khôi phục các kênh liên lạc.

Đặc biệt, do việc khôi phục kênh liên lạc dựa trên thỏa thuận giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nên nhiều khả năng quan hệ sẽ có bước chuyển biến bất ngờ theo thỏa thuận của nhà lãnh đạo hai bên. 

Theo Nhà Xanh, các nhà lãnh đạo của hai miền Triều Tiên đã trao đổi quan điểm thông qua thư cá nhân kể từ tháng 4 năm ngoái, và nhất trí khôi phục lòng tin lẫn nhau giữa hai miền Nam - Bắc càng sớm càng tốt và tiến tới khôi phục mối quan hệ trở lại

Kim Yong-hyeon giáo sư tại Đại học Dongguk, nói, "Việc trao đổi thư từ cá nhân kể từ tháng Tư, phản ánh ý muốn thay đổi tình trạng bế tắc hiện tại của cả hai bên. Đây có thể được coi là điểm khởi đầu và là chất xúc tác để thay đổi và định hướng tình hình hiện tại”.

Trong nhiều trường hợp sau khi khôi phục các kênh liên lạc trong quá khứ, hai miền Nam Bắc đã đẩy nhanh việc khôi phục quan hệ bằng cách tổ chức các cuộc đàm phán khác nhau, bắt đầu bằng các cuộc đàm phán cấp cao liên Triều.

Hiện tại, một số dự án mà Hàn Quốc đã đề xuất, chẳng hạn như các vấn đề nhân đạo như đoàn tụ các gia đình ly tán, hợp tác y tế bao gồm hợp tác đối phó với bệnh coronavirus mới (COVID-19) và du lịch cá nhân, vẫn đang chưa thể triển khai vì phía Triều Tiên không đưa ra phản hồi. Ngoài ra, có một số dự án hợp tác phù hợp với thỏa thuận quân sự 19/9, chẳng hạn như cùng khai quật hài cốt của những người thiệt mạng vào ngày 25/6 và đi lại tự do đến Khu vực An ninh Chung (JSA) ở Bàn Môn Điếm (Panmunjeom) cũng đang bị đình trệ.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ Triều Tiên sẽ ứng phó như thế nào để có thể đưa đến những cơ hội gặp mặt thảo luận với Hàn Quốc trong tình hình dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp. Điều này là do Triều Tiên đang phản ứng cực kỳ nhạy cảm với việc ngăn chặn COVID-19, chẳng hạn như đóng cửa biên giới.

Nếu Triều Tiên miễn cưỡng tổ chức một cuộc gặp trực tiếp, chính phủ có thể thảo luận về các vấn đề đang chờ xử lý khác nhau ngay cả khi không gặp mặt trực tiếp.

Một quan chức của Bộ Thống nhất cho biết, “Để khôi phục kênh đối thoại, cần phải giải quyết một cách khôn ngoan nhằm loại bỏ hạn chế của tình hình COVID-19. Vì có thể sẽ khó khăn trong việc tổ chức tiếp xúc trực tiếp, chúng tôi cũng sẽ thảo luận về việc thiết lập một hệ thống hội nghị truyền hình để tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại và đàm phán giữa hai miền Triều Tiên”.

Kể từ năm ngoái, Triều Tiên cũng đã tiến hành các cuộc họp nội bộ qua video hoặc tham gia các cuộc họp quốc tế qua video, vì vậy có khả năng hai miền Triều Tiên sẽ họp trực tiếp thông qua truyền hình vào lúc này.

Một số nhà quan sát chỉ ra rằng phải làm rõ ràng về vụ nổ văn phòng liên lạc liên Triều Kaesong vào tháng 6 năm ngoái của Triều Tiên thì mối quan hệ liên Triều mới có thể phát triển 'lành mạnh' được.

Vào thời điểm đó, Bộ Thống nhất đã nhấn mạnh với Triều Tiên rằng "Triều Tiên sẽ phải chịu trách nhiệm về vụ việc này", tuy nhiên cho tới nay lập trường của Triều Tiên về vấn đề này vẫn chưa được xác nhận. Được biết, các vấn đề liên quan đến giao tiếp thông qua kênh Bàn Môn Điếm hoặc các kênh của văn phòng liên lạc đã không được thảo luận trong ngày hôm nay.

Một quan chức của Bộ Thống nhất cho biết, "Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể thảo luận về các vấn đề đang chờ giải quyết giữa hai miền Triều Tiên trong tương lai".

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Lee In-young, trong cuộc điều trần nhân sự thời ông còn là ứng cử viên, cũng đã tiết lộ cách giải quyết vấn đề bồi thường cho văn phòng liên lạc bằng cách cho Triều Tiên đất để thành lập văn phòng đại diện Bình Nhưỡng tại Hàn Quốc nếu hai miền Nam Bắc cùng đồng ý thành lập phái đoàn thường trực Seoul-Bình Nhưỡng.

Mặt khác, có ý kiến chỉ ra rằng chính phủ Moon Jae-in không có đủ thời gian để đạt được thành quả trong quan hệ Nam Bắc vì Hàn Quốc đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới.

Được biết, năm nay đánh dấu kỷ niệm 50 năm đối thoại liên Triều bắt đầu từ cuộc tiếp xúc của Hội Chữ thập đỏ vào năm 1971. Đáng chú ý là hai miền Nam Bắc có thể tiến được bao xa để cải thiện quan hệ vốn đã đi đến bước ngoặt bằng việc khôi phục các kênh liên lạc sau khi vượt qua cuộc khủng hoảng giữa 2 bên.

 

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Triều lần thứ nhất ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm ngày 27.4.2018. [Ảnh=AFP]

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기