Kinh tế Chính trị

Triền Tiên, "Vẫn còn quá sớm để tuyên bố chấm dứt chiến tranh liên Triều…Trước tiên cần loại bỏ các chính sách thù địch của Mỹ"

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:22 24-09-2021
Chính quyền Triều Tiên cho rằng việc tuyên bố kết thúc chiến tranh ở thời điểm hiện tại là quá sớm, và sẽ không có ý nghĩa gì chừng nào chính sách thù địch của Mỹ chưa thay đổi.

 

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. [Ảnh=KCNA]


Triều Tiên hôm thứ Sáu (24/9) bác bỏ đề xuất của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về việc kí kết hiệp định hòa bình, thay thế hiệp định đình chiến và chính thức chấm dứt chiến tranh năm 1950~1953.

Trong tuyên bố được đăng tải bởi hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Thae-song cho biết tuyên bố kết thúc chiến tranh “không có ràng buộc pháp lý”, và “sẽ trở thành giấy vụn trong chớp mắt nếu tình hình thay đổi”.

“Không có gì đảm bảo rằng việc chỉ tuyên bố chấm dứt chiến tranh sẽ dẫn đến quyết định loại bỏ chính sách thù địch đối với Triều Tiên”, Thứ trưởng Ri nói.

Trước đó, trong bài phát biểu ngày 21/9 trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Moon Jae-in đề xuất Bình Nhưỡng - Seoul ra tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh. Ông Moon cho rằng việc này sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình xây dựng trật tự hòa bình mới trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Ri, tuyên bố kết thúc chiến tranh có thể “kéo theo hậu quả tai hại”, làm đảo lộn cán cân chiến lược trong khu vực và đẩy hai miền bán đảo Triều Tiên vào một cuộc chạy đua vũ trang không hồi kết.

Ông Ri nhấn mạnh việc từ bỏ chính sách thù địch của Mỹ là “ưu tiên hàng đầu” để mang lại hòa bình và ổn định cho bán đảo Triều Tiên. “Cần phải hiểu rõ rằng tuyên bố chấm dứt chiến tranh không giúp ích gì cho việc ổn định tình hình bán đảo Triều Tiên ở thời điểm hiện tại, mà có thể bị lạm dụng như một màn khói che đậy chính sách thù địch của Mỹ”, ông Ri nói.

Ông Ri cũng đề cập đến việc Washington bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III vào tháng Hai - tháng Tám, và quyết định thành lập liên minh AUKUS để cùng Anh giúp Úc đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

“Chúng tôi chỉ tăng cường khả năng phòng thủ để đối phó với mối đe dọa quân sự từ Mỹ, nhưng lại bị mô tả là hành động khiêu khích. Trong khi đó, việc Mỹ tăng cường vũ khí và liên kết với đồng minh để đe dọa Triều Tiên thì lại được gọi là răn đe”, ông Ri nói.

Phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khai mạc gần một tuần sau khi cả Hàn Quốc và Triều Tiên cùng tiến hành thử tên lửa đạn đạo (ngày 15/9). Triều Tiên phóng thử hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ tàu hoả, trong khi Hàn Quốc phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm.

Đại diện Triều Tiên dự kiến sẽ có bài phát biểu trong phiên họp cuối cùng của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 27/9.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기