Đời sống Xã hội

Sức hút của K-food tại thị trường nước ngoài

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)10:00 26-10-2021
Trong bối cảnh làn sóng Hallyu nổi tiếng toàn cầu mà đại diện là nhóm nhạc 7 thành viên BTS, văn hóa ẩm thực Hàn Quốc cũng không ngừng thu hút sự chú ý của người tiêu dùng trên toàn thế giới. Trái ngược với tình hình không mấy tích cực trong kinh doanh nhượng quyền nhà hàng ở quê nhà Hàn Quốc, ngày càng nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã thâm nhập thị trường nước ngoài và tạo cơ hội cho những bước phát triển nhảy vọt.

 

Chương trình 'I like K-FOOD in Vietnam', một phần của dự án xây dựng nền tảng bán hàng nông sản Hàn Quốc tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn được diễn ra tại Việt Nam hồi tháng 7/2019. [Ảnh=hiệp hội công nghiệp thực phẩm hàn quốc]


Theo tin tức trong ngành gần đây, CJ Foodville nổi tiếng là công ty kiếm được nhiều lợi nhuận ở nước ngoài. CJ Foodville, đang tiến hành hoạt động kinh doanh ở nước ngoài chủ yếu với Tous Les Jours, bắt đầu hoạt động tại Hoa Kỳ vào năm 2004 và hiện đang vận hành 280 cửa hàng tại sáu quốc gia bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia và Mông Cổ.

Đặc biệt, chi nhánh Tous Les Jours tại Mỹ đã ghi nhận lãi trong ba năm liên tiếp kể từ khi CJ Foodville lần đầu tiên thành công trong việc chuyển từ lỗ sang lãi ở các chi nhánh (công ty con) tại nước ngoài vào năm 2018. Năm ngoái, khi cuộc khủng hoảng Covid-19 xảy ra, Tous Les Jours cũng đã thu hút sự chú ý khi ghi nhận lợi nhuận tích cực thông qua tư vấn bán hàng nhượng quyền, giúp chống lại sự sụt giảm doanh số, nâng cao sức mạnh sản phẩm và cải thiện hiệu quả chi phí. Số lượng cửa hàng cũng tăng thêm 6 cửa hàng so với năm trước. Thậm chí, Tous Les Jours đã trở thành thương hiệu bánh cao cấp số một tại thị trường Việt Nam và Indonesia.

Paris Baguette, một công ty con của công ty thực phẩm SPC, mới đây đã gia nhập thị trường Indonesia, thương hiệu này hiện có hơn 430 cửa hàng tại 7 quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, Pháp, Trung Quốc, Singapore, Việt Nam và dự kiến ​​sẽ tiến vào thị trường Trung Đông trong tương lai.

Thương hiệu gà rán BBQ gia nhập thị trường Mỹ năm 2006 và cũng đã gặt hái được nhiều thành công, tính đến tháng 8/2021, BBQ đã có 97 cửa hàng tại 15 bang trong đó có New York. Thương hiệu này đã được tạp chí nhà hàng địa phương Nation's Restaurant News bình chọn là một trong "25 thương hiệu phát triển nhanh nhất tại Hoa Kỳ" vào tháng trước với vị trí thứ 5. Năm ngoái, doanh thu của pháp nhân tại Mỹ của BBQ đạt 54,2 triệu đô la Mỹ và được lựa chọn là một trong "500 Thương hiệu Thực phẩm và Đồ uống Hàng đầu Hoa Kỳ" bởi American Hotel News.

Không chỉ vậy, thương hiệu bánh burger và gà rán Mom's Touch đã mở cửa hàng đầu tiên tại Los Angeles, California, Hoa Kỳ vào tháng 6 năm nay, và sự phổ biến của burger cay (Fuego Burger) và burger đặc trưng (Mom's Original Burger) được cải thiện theo thị hiếu của người tiêu dùng địa phương đã trở thành một cú hit. Cửa hàng thứ hai của Mom's Touch tại Hoa Kỳ sẽ được khai trương tại Long Beach vào tháng 12 tới. Thương hiệu có kế hoạch mở 100 cửa hàng tại thị trường Hoa Kỳ vào năm 2025. Ngoài ra, Mom's Touch cũng có ba cửa hàng nhượng quyền tại Singapore, và có kế hoạch thâm nhập vào thị trường Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và các thị trường Đông Nam Á cũng như các khu vực khác có quan tâm đến văn hóa ẩm thực Hàn Quốc.

Một quan chức trong ngành nhượng quyền cho biết, "Không chỉ các ngôi sao K-pop như BTS và Black Pink, mà cả các nội dung của Hàn Quốc (K-content) như loạt phim 'Squid Game' và 'Parasite' đã tạo ra một cơn sốt toàn cầu, mang đến cho các thương hiệu Hàn Quốc một hình ảnh cao cấp, đã phần nào giúp các thương vụ nhượng quyền kinh doanh nhà hàng thâm nhập vào thị trường nước ngoài được hưởng lợi."

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기