Đời sống Xã hội

Các sản phẩm của Samsung và LG chiếm gần một nửa thị trường TV toàn cầu…Xây dựng 'đế chế TV' cao cấp

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)16:44 21-02-2022
Samsung Electronics và LG Electronics đã viết nên lịch sử mới một lần nữa trên thị trường TV toàn cầu vào năm ngoái. Samsung đã thể hiện sự hiện diện vô song của mình bằng cách duy trì vị trí số 1 trên thị trường TV toàn cầu trong 16 năm liên tiếp, trong khi LG chiếm thị phần cao nhất từ ​​trước đến nay với OLED TV.

Đáng chú ý, các sản phẩm mang thương hiệu Hàn Quốc chiếm gần một nửa thị trường, tạo nên một bức tường thành mà khó có thể phá vỡ trong thời điểm hiện tại. Trong bối cảnh ngày càng nhiều người tiêu dùng muốn sở hữu TV cao cấp sau đại dịch COVID-19, một phân tích cho thấy rằng các lựa chọn đã bị thu hẹp hoàn toàn với các sản phẩm đến từ 2 thương hiệu Samsung và LG.


 

[Ảnh=Samsung Electronics]


Theo công ty nghiên cứu thị trường Omdia vào ngày 21, Samsung Electronics và LG Electronics đã dẫn đầu thị trường TV toàn cầu vào năm ngoái, ghi nhận 48% thị phần. Điều này có nghĩa là gần một nửa số người tiêu dùng trên thế giới đã chọn TV của Samsung hoặc LG.

Trước hết, Samsung chiếm vị trí số 1 áp đảo trong suốt 16 năm với thị phần 29,5% vào năm ngoái.

Theo phân tích, Samsung Electronics đã thống trị thị trường TV toàn cầu trong nhiều năm, chủ yếu nhờ thành công của chiến lược tiếp thị sản phẩm cao cấp dựa trên dòng sản phẩm QLED (điốt phát quang chấm lượng tử).

Năm 2006, Samsung lần đầu tiên giành quán quân về doanh số bán hàng toàn cầu với TV LCD full HD "Bordeaux". Năm 2009, hãng ra mắt TV LED, mang đến những thay đổi lớn cho cấu trúc thị trường TV. Năm 2011 và 2017, hãng lần lượt tung ra SmartTV và TV QLED và QLED 8K. Dòng TV cao cấp "Neo QLED" và TV Micro LED (Micro LED) mới cũng đã được giới thiệu đến người tiêu dùng vào năm ngoái. Samsung cũng cho ra mắt những sản phẩm mới như màn hình dạng máy chiếu “The Freestyle” nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Kể từ khi Samsung Electronics ra mắt TV QLED đầu tiên vào năm 2017, doanh số bán sản phẩm cộng dồn đã đạt khoảng 26 triệu chiếc, trong đó đã có 9,43 triệu chiếc được bán ra vào năm 2021. 

Năm ngoái, QLED chiếm 44,5% thị phần ở dòng TV cao cấp có giá trên 2.500 USD. Trong cùng thời kỳ, thị phần của Samsung trên thị trường TV có giá trên 2.500 đô la Mỹ và thị phần của TV màn hình lớn trên 80 inch lần lượt là 42,1% và 44,9%, dẫn đầu thế giới.

 

[Ảnh=LG Electronics]


Về mặt LG Electronics, lô hàng TV OLED của hãng đạt 4 triệu 48 chiếc vào năm ngoái, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ trong quý 4 năm ngoái, lượng xuất xưởng TV OLED đã đạt 1,413 triệu chiếc, lập kỷ lục về số lượng bán ra trong một quý duy nhất. Năm ngoái, lượng xuất xưởng TV OLED toàn cầu là 6,525 triệu chiếc, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái, trong số đó LG Electronics chiếm 62%.

Tính cả OLED và LCD, tổng lượng TV xuất xưởng năm ngoái của LG lên tới 27,332 triệu chiếc, chiếm 18,5% thị trường TV, chỉ đứng sau Samsung Electronics, lập kỷ lục mới trong lịch sử. 

Tăng trưởng trên thị trường TV đã đạt đỉnh và giảm vào nửa cuối năm ngoái, nhưng LG Electronics vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng nhờ sự phát triển tích cực của thị trường TV OLED. Năm ngoái, giá trung bình toàn cầu của TV LG OLED là 1.861 USD, gấp ba lần giá trung bình của TV LCD trên thị trường (507,7 USD).

Ngành công nghiệp ước tính rằng sự tăng trưởng của thị trường TV OLED sẽ tiếp tục trong năm nay. Omdia dự đoán rằng lô hàng TV OLED sẽ đạt 8 triệu chiếc trong năm nay, mở rộng thị phần TV nói chung lên 12,7%. Trên thị trường TV cao cấp có giá trên 1.500 USD, các lô hàng TV OLED sẽ chiếm 42,1%.

Ngoài ra, lượng TV toàn cầu xuất xưởng năm ngoái là 213,537 triệu chiếc, giảm 11,932 triệu chiếc so với cùng kỳ năm 2020.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기