Đời sống Xã hội

Thị trường mua bán đồ đã qua sử dụng ở Hàn Quốc phát triển bùng nổ…Trung tâm thương mại Hyundai khai trương 'Second Boutique'

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)15:11 21-09-2022
Trong những năm gần đây, thị trường đồ đã qua sử dụng (đồ second-hand) ở Hàn Quốc đã ghi nhận sự tăng trưởng “chóng mặt”, thu hút cả sự đầu tư từ những gã khổng lồ trong ngành lưu thông như trung tâm thương mại Lotte, Shinsegae và Hyundai. 

 

[Ảnh=Hyundai Department Store]


Theo các nguồn tin trong ngành, vào tháng 3/2021 Tập đoàn Lotte đã đầu tư 30 tỷ won cùng với Eugene Asset Management để mua 95% cổ phần của Joonggonara, một ứng dụng sàn giao dịch mua bán đồ đã qua sử dụng.

Ngoài ra, vào đầu năm nay Tập đoàn Shinsegae cùng với Tập đoàn Mirae Asset cũng đã đầu tư 82 tỷ won vào Bungaejangter, cũng là một ứng dụng mua bán đồ đã qua sử dụng. 

Mặt khác, vào ngày 18/9 vừa qua, Trung tâm thương mại Hyundai đã bố trí quầy kinh doanh đồ đã qua sử dụng (second-hand) đầu tiên "Second Boutique" tại chi nhánh Hyundai Sinchon ở Seoul và đã thu hút một lượng lớn người tiêu dùng.

Trong những năm gần đây, thị trường buôn bán đồ cũ ở Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng. Số liệu thống kê mới nhất từ ​​Viện xúc tiến Internet Hàn Quốc cho thấy quy mô thị trường buôn bán đồ cũ đã tăng gấp 6 lần từ 4 nghìn tỷ won năm 2008 lên 24 nghìn tỷ won vào năm 2021. Trong cùng thời kỳ, số lượng người dùng hoạt động hàng tháng của Karrot, một sàn giao dịch đồ cũ tiêu biểu tại Hàn Quốc, đã tăng từ 500.000 lên 18 triệu người. Theo phân tích, giá cả tăng vọt gần đây ở Hàn Quốc, cùng với lãi suất chuẩn cao và đồng won suy yếu đã khiến người tiêu dùng thận trọng hơn trong hành vi tiêu dùng và chuyển sự chú ý sang thị trường đồ cũ.

Đồng thời, dòng hàng hóa giá cao như hàng xa xỉ và phiên bản giới hạn cũng trở thành động lực chính giúp thị trường hàng hóa đã qua sử dụng phát triển nhanh chóng. Theo dữ liệu từ sàn giao dịch hàng xa xỉ Tren:be, vào tháng 8 năm nay, quy mô giao dịch của hàng xa xỉ đã qua sử dụng trên nền tảng này đã tăng 357% so với cùng kỳ năm ngoái. Tren:be cho biết trong bối cảnh giá các sản phẩm của Chanel và Gucci liên tiếp được điều chỉnh tăng lên, lượng giao dịch đồ cũ đã tăng vọt.

Về lượng tiêu thụ, lực lượng chính trên thị trường đồ cũ là những người tiêu dùng trẻ thuộc thế hệ MZ (Millennials sinh từ 1985~1996 và thế hệ Z sinh từ 1997~2006). Theo dữ liệu từ Viện nghiên cứu tài chính Hana, 61% giao dịch thẻ tín dụng hàng hóa đã qua sử dụng vào năm 2020 là từ người tiêu dùng ở độ tuổi 20 và 30, và phí thanh toán của người tiêu dùng ở độ tuổi 20 đã tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái vượt xa các nhóm tuổi khác.

Một quan chức của Trung tâm thương mại Hyundai cho biết, việc khai trương Second Boutique chủ yếu nhằm phục vụ xu hướng tiêu dùng giá trị của thế hệ MZ, cũng như nhu cầu tiêu thụ đồ cũ đang mở rộng gần đây. Trong 3 ngày đầu khai trương từ (16~18/9) trong số hơn 3.000 người tiêu dùng đến tham quan Second Boutique có tới 90% là người tiêu dùng trẻ ở độ tuổi 20~30 và trong số đó, những người tiêu dùng ở độ tuổi 20 thường mua các sản phẩm quần áo có giá thành trên dưới 100.000 won (khoảng 1,8 triệu đồng) trong khi những người ở độ tuổi 30 có xu hướng ưa chuộng các mặt hàng như đồng hồ và đồ xa xỉ.

Các chuyên gia chỉ ra rằng quan niệm tiêu dùng của thế hệ trẻ, những người chú trọng đến bảo vệ môi trường và giá trị cá nhân, đang trở thành động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường đồ cũ trong những năm gần đây. 

Kim Yong-jin, giáo sư ngành quản lý kinh doanh tại Đại học Sogang cho biết, sự phát triển của thị trường buôn bán đồ đã qua sử dụng đã phản ánh một thay đổi khá quan trọng trong quan niệm tiêu dùng của giới trẻ. Theo đó, quan niệm "sở hữu cá nhân" đã biến đổi thành "chỉ cần có cơ hội sử dụng" là được.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기