Kinh tế Chính trị

Việt Nam lần đầu tiên trở thành quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất của Hàn Quốc

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)16:14 04-01-2023
Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc vào ngày 4, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam năm ngoái là 60,98 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu là 26,72 tỷ USD, tương đương thặng dư thương mại là 34,25 tỷ USD (khoảng 804,8 nghìn tỷ VNĐ). Đây là lần đầu tiên Việt Nam trở thành quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất của Hàn Quốc tính theo đơn vị năm.

Đặc biệt, với việc Việt Nam và Hàn Quốc vừa kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao vào tháng 12 vừa qua, có thể thấy rằng thặng dư đã tăng lên đáng kể, từ khi đầu tư và hợp tác giữa hai nước được tăng cường trên nhiều lĩnh vực.

 

[Ảnh=Getty Images Bank]


Một quan chức của Bộ Thương mại cho biết, "Trong số các nước ASEAN, Việt Nam đang nổi lên như một cơ sở sản xuất cho các công ty toàn cầu. Việc Việt Nam trở thành quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất với chúng ta là do kết quả của các doanh nghiệp Hàn Quốc không ngừng thâm nhập thị trường và trở thành đối tác kinh tế thân thiết của Việt Nam."

Sau Việt Nam, các quốc gia có thặng dư thương mại lớn của Hàn Quốc lần lượt là Mỹ (28,04 tỷ USD), Hồng Kông (25,79 tỷ USD), Ấn Độ (9,98 tỷ USD) và Singapore (9,86 tỷ USD).

Cán cân xuất khẩu sang Mỹ tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2021, tăng sáu năm liên tiếp kể từ năm 2017. Năm ngoái, xuất khẩu sang Mỹ (109,82 tỷ USD) lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD.

Năm ngoái, xuất khẩu sang Ấn Độ, một thị trường thương mại mới nổi tiêu biểu, đã tăng 21,0% so với cùng kỳ năm 2021, đạt mức cao kỷ lục 18,88 tỷ USD.

Nhờ xuất khẩu thuận lợi, sau 5 năm (kể từ 2017) Ấn Độ đã tăng một bậc từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Hàn Quốc.

Mặt khác, Hồng Kông vốn là quốc gia đứng đầu về thặng dư thương mại của Hàn Quốc trong ba năm liên tiếp từ 2019~2021, năm ngoái đã tụt xuống vị trí thứ 3.

Đáng chú ý, Trung Quốc, quốc gia đứng đầu về thặng dư vào năm 2018, đứng thứ hai vào năm 2019 và liên tục đứng thứ ba vào năm 2020 và 2021, nhưng đã bị đẩy xuống thứ 22 vào năm ngoái (1,25 tỷ USD). Đánh dấu lần đầu tiên cán cân thương mại của Hàn Quốc với Trung Quốc tuột khỏi top 20 trong số những năm ghi nhận thặng dư, ngoại trừ năm 1992 ghi nhận thâm hụt.

Điều này được lý giải là do xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh do ảnh hưởng của chính sách 'Zero Covid' của Trung Quốc và tăng trưởng kinh tế chậm lại sau các lệnh phong tỏa trong khu vực; trái lại nhập khẩu từ Trung Quốc lại tăng do giá nguyên liệu thô công nghiệp bao gồm cả lithium (nguyên liệu quan trọng trong việc sản xuất pin) tăng vọt.

Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc đạt mức cao kỷ lục 683,9 tỷ USD, nhảy vọt lên vị trí lớn thứ 6 thế giới (dựa trên số liệu 9 tháng đầu năm). Tuy nhiên kim ngạch nhập khẩu cũng tăng vọt do giá năng lượng tăng cao vì ảnh hưởng bởi chiến tranh Nga-Ukraina. Theo đó, thâm hụt cán cân thương mại đạt mức cao kỷ lục 47,2 tỷ USD (khoảng 60 nghìn tỷ KRW).

Như vậy, không chỉ xếp hạng về các quốc gia có thặng dư thương mại mà cả các quốc gia có thâm hụt thương mại cũng có sự thay đổi tương đối lớn.

Cụ thể, Ả Rập Saudi (-36,71 tỷ USD) và Úc (-26,09 tỷ USD) chiếm vị trí thứ nhất và thứ hai trong thâm hụt thương mại với Hàn Quốc năm ngoái. Hai quốc gia là nước nhập khẩu dầu thô và khí đốt tự nhiên lớn nhất của Hàn Quốc, năm ngoái do vấn đề cung cầu năng lượng toàn cầu, giá nhập khẩu tăng mạnh khiến
cán cân thương mại xấu đi rất nhiều.

Nhật Bản, quốc gia đứng đầu về thâm hụt thương mại trong bảy năm liên tiếp từ năm 2015~2021, năm ngoái đã đứng ở vị trí thứ ba (-24,07 tỷ USD), theo sau là Qatar (-16,02 tỷ USD) và Đức (-13,45 tỷ USD).

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기