Đời sống Xã hội

Ngành đóng tàu Hàn Quốc 'lao đao' vì thiếu nhân lực…Lao động Việt Nam được ưa chuộng

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)13:43 07-03-2023
Trong bối cảnh ngành đóng tàu của Hàn Quốc vẫn đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nhân lực, bằng việc nới lỏng nhiều yêu cầu về thị thực, lao động nước ngoài đặc biệt là lao động Việt Nam với kinh nghiệm khá và bản tính thật thà đang rất được các chủ doanh nghiệp săn đón.

Theo Hiệp hội đóng tàu và hàng hải Hàn Quốc (KOSHIPA), số lượng công nhân đóng tàu tại Hàn Quốc đã giảm khoảng 53,3% từ năm 2014 (203.441 người) xuống còn 95.030 người vào cuối tháng 10/2022. Theo đó, dự kiến đến cuối năm nay (2023), số lao động thiếu hụt có thể ​​lên tới 14.000 người. Nhằm đối phó với tình trạng này, chính phủ Hàn Quốc đã có nhiều biện pháp chẳng hạn như mở rộng việc thuê lao động nước ngoài, quyết định rút ngắn thời gian tiến hành thủ tục hành chính.


 

Một cơ sở của Công ty đóng tàu Hyundai Heavy Industries Co. [Ảnh=Reuters/Yonhap News]

 
◆ Hơn một nửa trong số 1.500 lao động nước ngoài được cấp thị thực là người Việt Nam
Theo dữ liệu từ Bộ Tư pháp, trong số 1.595 người nước ngoài được cấp thị thực hoạt động cụ thể liên quan đến ngành đóng tàu (E-7) từ tháng 1/2022~1/2023, lao động Việt Nam chiếm quá bán với tổng số 880 người (55,1%). Tiếp theo là Thái Lan (233 người), Uzbekistan (200 người), Indonesia (82 người), Ấn Độ (56 người) và một số lao động đến từ các quốc gia khác bao gồm Malaysia, Philippines và Pháp.

Xét theo loại hình công việc, thợ sơn tàu là bộ phận tiếp nhận được nhiều lao động nhất với 533 người. Theo sau lần lượt là thợ hàn (500 người), thợ điện (286 người) và kỹ sư nhà máy (276 người).

Để nhanh chóng tiếp nhận được con số lao động nước ngoài như vậy, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã cải thiện đáng kể các yêu cầu về thị thực E-7. Việc cấp thị thực đã tăng nhanh kể từ tháng 1 năm nay khi chính phủ cố gắng cải thiện hệ thống, chẳng hạn như tăng số lượng nhân viên sàng lọc thị thực và miễn giấy chứng nhận năng lực trong vòng 2 năm.

Về vấn đề này, giáo sư Kim Yong-hwan thuộc Khoa Kỹ thuật Hàng hải tại Đại học Quốc gia Seoul cho biết: "Có thể thấy, so với các quốc gia khác Việt Nam là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong ngành đóng tàu hơn với thực tế là Việt Nam có Hyundai Vinashin, một công ty con của Công ty đóng tàu Hyundai Mipo (Hyundai Mipo Dockyard). Cùng với việc sở hữu năng lực tay nghề khá trong lĩnh vực đóng tàu cộng với bản tính siêng năng, người lao động Việt Nam có phần được các công ty Hàn Quốc ưa chuộng hơn."

Hiện tại, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã phái cử tổng cộng 20 người là nhân viên hỗ trợ thẩm định đặc biệt về thị thực cho lao động ở ngành đóng tàu tới các thành phố như Busan, Ulsan, Changwon và Geoje (tỉnh Nam Gyeongsang), Mokpo (tỉnh Nam Jeolla), nhằm đẩy nhanh quy trình cấp visa. Không những thế, theo quy định mới, thời gian từ lúc thẩm định cho tới khi được cấp visa sẽ được rút ngắn từ 5 tuần còn trong vòng 10 ngày.

 

◆ "Nửa mừng nửa lo" với tuyển dụng lao động nước ngoài
Ba "ông lớn" trong ngành đóng tàu Hàn Quốc (Công ty đóng tàu và công nghiệp cơ khí ngoài khơi Hàn Quốc·Korea Shipbuilding & Offshore Engineering (KSOE), Tập đoàn Cơ khí hàng hải và Đóng tàu Daewoo·Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering (DSME) và Công ty Công nghiệp nặng Samsung·Samsung Heavy Industries (Samsung SHI) có kế hoạch mở rộng tuyển dụng lao động nước ngoài. Cụ thể, KSOE có kế hoạch tuyển dụng 900 lao động, DSME 1500 người và Samsung SHI 1200 người.

Một quan chức của ngành công nghiệp đóng tàu cho biết, "Mặc dù có sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa nhưng hiệu suất làm việc của người lao động nước ngoài nhận được visa E-7 cũng tương đương đến 70-80% so với người Hàn Quốc."

Vấn đề ở đây là khi lao động nước ngoài không có kỹ năng được các đối tác nhà máy đóng tàu vừa và nhỏ đưa vào, nguy cơ xảy ra tai nạn có thể tăng lên do người lao động không quen với môi trường làm việc hoặc gặp khó khăn trong giao tiếp và chưa nắm bắt rõ các quy tắc an toàn.

Giáo sư Kim nhấn mạnh rằng cần phải kiểm tra lại chính sách nhập cư ở cấp quốc gia. Giáo sư Kim cho biết "Trong bối cảnh dân số Hàn Quốc vẫn tiếp tục sụt giảm, Trong trường hợp nhu cầu nhân lực cấp bách đối với một số ngành sản xuất cụ thể như đóng tàu, cần có luật hỗ trợ lưu trú dài hạn, chẳng hạn như cấp quyền cư trú vĩnh viễn cho người lao động nước ngoài."

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기