Đời sống Xã hội

Tiềm năng của thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam khiến các công ty Hàn Quốc phải "để mắt"

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:40 18-05-2023
Việt Nam đang nổi lên như một điểm nóng trong lĩnh vực công nghiệp trung tâm dữ liệu. Khi quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của các công ty và việc thực thi Đạo luật An ninh mạng, trong đó nhấn mạnh đến chủ quyền dữ liệu được thúc đẩy bởi chính phủ, dự kiến tiềm năng tăng trưởng của trung tâm dữ liệu tại Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng trưởng tích cực. Điều này đã thu hút sự chú ý của nhiều công ty Hàn Quốc.

 

[Ảnh=Internet]

Theo báo cáo của Research And Markets, công ty nghiên cứu thị trường của Ireland, thị trường trung tâm dữ liệu của Việt Nam dự kiến ​​sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 15% từ mức 858 triệu USD năm 2020, và sẽ trở thành 1 trong 10 thị trường mới nổi hàng đầu thế giới vào năm 2026.

Trong số các công ty Hàn Quốc để mắt tới ngành công nghiệp tiềm năng này, KT, GS E&C và Hyosung được biết là đã bắt đầu các nghiên cứu tính khả thi và thẩm định tại chỗ. Naver Cloud cũng đang tìm kiếm đối tác địa phương tại Việt Nam.

Đặc biệt, KT đã công bố ý định chuyển đổi chi nhánh tại Việt Nam thành pháp nhân vào tháng 3 năm ngoái và đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trung tâm dữ liệu.

Trong một cuộc họp thông báo kết thành tích quý I/2023 vào ngày 11/5 vừa qua, Giám đốc tài chính (CFO) của KT Kim Young-jin cho biết, "Chúng tôi hiện đang xem xét thâm nhập các thị trường toàn cầu bao gồm cả khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi cũng có kế hoạch thúc đẩy hiệu quả hoạt động của IDC (trung tâm dữ liệu) chẳng hạn như hệ thống AI (trí tuệ nhân tạo) từ xa".

Tuy nhiên, quy mô và thời điểm cụ thể của dự án vẫn chưa được xác nhận. Một quan chức của KT cho biết, “Chúng tôi đang trong giai đoạn bắt đầu và quá trình tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Chúng tôi tự tin rằng mình có đủ kinh nghệm trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu nên sẽ luôn tìm ra được phương hướng để phát triển".

Gần đây, các công ty lớn của nước ngoài đang chú ý đến 'Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh (SHTP)' tại thành phố Thủ Đức (quận 9 cũ) Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty Nhật Bản NTT GDC có kế hoạch xây dựng một trung tâm dữ liệu tại SHTP với quy mô đầu tư khoảng 56 triệu đô la.

Công ty Worldwide DC Solutions của Singapore cũng đang xây dựng một trung tâm dữ liệu tại đây với tổng vốn đầu tư khoảng 70 triệu đô la, dự kiến ​​hoàn thành vào năm 2025.

Khu 'Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng (Danang IT Park)' ở khu vực Đà Nẵng  cũng là một trong những địa điểm nổi bật. Trong đó, Worldwide DC Solutions cũng đang xúc tiến xây dựng trung tâm dữ liệu trị giá khoảng 100 triệu USD tại đây.

Ngoài ra, các công ty công nghệ lớn toàn cầu như Amazon Web Services, Google Cloud, Azure và Alibaba Cloud cũng đã tham gia hoạt động kinh doanh trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.

Tính đến năm ngoái, có 27 trung tâm dữ liệu đang hoạt động tại Việt Nam. Trong đó, một số các công ty tiêu biểu đang vận hành các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam bao gồm ▲Viettel IDC ▲FPT Telecom ▲CMC Telecom ▲VNPT IDC ▲UNG Cloud.

Lý do Việt Nam đang thu hút sự chú ý trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu được cho là do tác động của Covid-19. Kể từ COVID-19, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số đã tăng tốc trong tất cả các ngành tại Việt Nam. Đây là lý do tại sao nhu cầu về dữ liệu tăng lên.

Đạo luật An ninh mạng có hiệu lực từ tháng 10/2022 cũng được chỉ ra là một yếu tố làm gia tăng nhu cầu dữ liệu. Nhu cầu về trung tâm dữ liệu tăng lên khi chính phủ Việt Nam nhấn mạnh nhu cầu quản lý dữ liệu tập trung vào các trung tâm dữ liệu trong nước.

Tuy có tiềm năng lớn, tuy nhiên việc gia nhập vào thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam cũng có một số trở ngại. Sự cố thường xuyên của cáp quang biển, tình trạng thiếu điện và khó khăn trong việc xin giấy phép kinh doanh đang kìm hãm ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu của Việt Nam.

Kim Do-yeon, Giám đốc kinh doanh của chi nhánh Megazone Việt Nam, một công ty chuyên về điện toán đám mây cho biết "Nếu muốn tăng nhu cầu (trung tâm dữ liệu), việc cải thiện các sự cố về điện, lỗi cáp ngầm, nhân lực và bảo trì quy trình để trung tâm dữ liệu hoạt động hiệu quả cũng như độ tin cậy vào Cam kết chất lượng dịch vụ (SLA) là cần thiết".

Một quan chức của KT cũng đưa ra nhận xét "Trong các lĩnh vực IT, các nước đang phát triển có công nghệ tương đối kém phát triển hơn so với chúng ta. Vì vậy, đây có thể coi là cơ hội để các công ty của Hàn Quốc tham gia vào các thị trường này nhiều hơn".

Giám đốc Kim dự đoán "Các công ty trung tâm dữ liệu toàn cầu với cơ sở hạ tầng quy mô lớn, công nghệ vận hành và kinh nghiệm đã bắt đầu xây dựng trung tâm dữ liệu với sự hợp tác của các nhà phát triển bất động sản và công ty xây dựng Việt Nam dựa trên các khoản đầu tư lớn. Điều này sẽ tạo hiệu ứng tổng hợp tốt khi kết hợp với dữ liệu lớn (big data) và thành phố thông minh do chính phủ Việt Nam thúc đẩy".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기